Giá trị nhãn hiệu

Giá trị của nhãn hiệu, sáng chế , kiểu dáng công nghiệp với thương hiệu
Một nhãn hiệu được doanh nghiệp chú ý, quan tâm là một tài sản có giá trị. Đối với mỗi doanh nghiệp, nhãn hiệu là tài sản có giá trị nhất mà doanh nghiệp sở hữu, mặc dù đó là tài sản vô hình. Giá trị ước tính của một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Cocacola, Microsoft, Google …do một số tạp chí hàng đầu bình chọn là vượt qua con số 50 tỷ Đô la. Sở dĩ có giá trị như vậy vì bản thân doanh nghiệp, ông chủ của các hãng nổi tiếng này đã chăm chút, giữ gìn và có chiến lược phát triển cho thương hiệu của mình nhằm giữ lấy trái tim của người tiêu dung.
Chính khách hàng là người tiêu dùng sành điệu nhất, họ sẵn sàng bỏ một khoản tiền lớn gấp nhiều lần để mua sản phẩm của các hãng nổi tiếng với cùng một món hàng mà tại các công ty bình thường mơ ước để có được các khách hàng tiềm năng này. Bởi thế sở hữu một nhãn hàng có uy tín, có chất lượng là lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đầy sức sáng tạo.
Mặt khác, nhãn hiệu có uy tín có giá trị lại là món hàng có thể chuyển nhượng, đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Không chỉ đơn thuần là nhãn hiệu mà một công ty khi sở hữu nhãn hiệu đắt giá chính là đã tự tạo cho mình một thương hiệu mà không đối thủ nào sánh được; bởi họ cũng đã sở hữu một khối lượng đáng kể đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bố trí mạch tích hợp tiềm ẩn trong sản phẩm của mình. Chính các sáng tạo đầy tiềm năng ẩn chứa trong sản phẩm là cốt lõi để một nhãn hiệu có thể tồn tãi mãi trong tiềm thức của khách hàng.
Hơn nữa các công ty hàng đầu luôn trân trọng khách hàng, thường xuyên tri ân đến khách hàng và thường niên có chiến dịch chiết khấu đến nhà phân phối, đại lý khắp đất nước và vượt ra khỏi lãnh thổ tại các thị trường tiềm năng của mình. Như vậy, thương hiệu của họ càng vững mạnh và bền lâu bởi sự trân trọng và giữ gìn tài sản trí tuệ của mình.
Tại sao phải đăng ký sở hữu trí tuệ
Nếu nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thậm chí kiểu thết kế cách trình bày trên bao bì sản phẩm, cách thể hiện biểu tượng của công ty ( Logo) nếu không đăng ký bảo hộ với Nhà nước thì khi đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường sẽ khó tránh khỏi bị đánh cắp làm danh tiếng của mình bị giảm và doanh nghiệp cũng không có cơ sở pháp lý để nhờ đến các cơ quan quản lý và thực thi giải quyết việc tranh chấp. Nghiêm trọng hơn là doanh nghiệp có thể còn bị mắt trắng nhãn hiệu khi đối thủ biết mà đã đăng ký trước nhãn hiệu của mình. Mặt khác việc sử dụng mà không đăng ký có thể doanh nghiệp đã xâm phạm nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp của người khác và có thể còn bị xử lý theo pháp luật.
Việc đăng ký tên khi một doanh nghiệp thành lập đã đủ pháp lý để doanh nghiệp hoạt động hay chưa?
Khi một doanh nghiệp được thành lập: Một doanh nghiệp tư nhân, một công ty cổ phần, một công ty trách nhiệm hữu hạn khi đăng ký kinh doanh tại sở kế hoạch đầu tư thường được cấp một tên gọi (hay hộ kinh doanh được phòng kinh tế các quận, huyện cấp giấy đăng ký kinh doanh) thì mặc nhiên tên gọi đó là tên thương mại- là một đối tượng được nhà nước bảo hộ trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động .
Tên doanh nghiệp bao gồm:
- Loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH; công ty cổ phần, cụm từ cổ phần có thể viết tắt là CP; công ty hợp danh, cụm từ hợp danh có thể viết tắt là HD; doanh nghiệp tư nhân, cụm từ tư nhân có thể viết tắt là TN;
- Loại hình kinh doanh: sản xuất và thương mại; du lịch, điện tử.....
- Tên riêng của doanh nghiệp
- Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Minh Anh
Doanh nghiệp cần chú ý: Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
Nhiều doanh nghiệp đã nhầm lẫn khi được cấp tên gọi trong đăng ký kinh doanh là đã được bảo hộ như một nhãn hiệu. Cần phân biệt sự khác nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu như sau:
- Tên thương mại là tên đầy đủ của doanh nghiệp, Tên thương mại sẽ được nhà nước bảo hộ mà không cần đăng ký. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng và đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp Văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó
- Như vậy, doanh nghiệp có thể lấy toàn bộ tên tên gọi trong đăng ký kinh doanh làm một nhãn hiệu, cũng có thể chỉ lấy tên riêng làm nhãn hiệu nhưng cần phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ hoặc với Cục Bản quyền tác giả khi đăng ký bản quyền tác giả cho Logo công ty hay cách trình bày trên bao bì đóng gói.
Tháng 03 năm 2023- Đăng Lâm